Bộ Nội vụ cho biết, việc tổ chức cơ quan chuyên môn địa phương theo quy định hiện hành tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP đã giúp giảm đầu mối từ 20 đến 26 xuống còn 17 đến 20 cơ quan.
Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai thực hiện và trước yêu cầu của tình hình thực tế phát triển cho thấy, về nguyên tắc thiết kế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thời gian qua chưa đặt vấn đề về xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn thống nhất trên phạm vi cả nước; đồng thời chưa chú ý đúng mức đến yếu tố đặc thù về kinh tế, xã hội của từng địa phương để thành lập một số cơ quan chuyên môn đặc thù phù hợp.
17 cơ quan chuyên môn tổ chức thống nhất ở các địa phương
Bởi vậy, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 13/2008/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đề xuất quy định rõ 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương gồm: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Trong đó, riêng đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối với địa phương thành lập Sở Du lịch thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức về du lịch từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sang Sở Du lịch; Đổi tên Sở Văn hoá thể thao và Du lịch thành Sở Văn hoá và Thể thao.
Đề xuất bổ sung thành lập mới 4 cơ quan chuyên môn đặc thù riêng của từng địa phương
Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, vẫn giữ nguyên 3 cơ quan chuyên môn đặc thù theo quy định tại Nghị định 13/2008/NĐ-CP đó là Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc và Sở Quy hoạch - Kiến trúc (được thành lập ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định thành lập 4 Sở, Ban khác được tổ chức theo đặc thù riêng của từng địa phương gồm: Sở Lâm nghiệp, Sở Thủy sản, Sở Du lịch và Ban Tôn giáo trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Thành lập Sở Lâm nghiệp khi diện tích rừng từ 200.000 ha trở lên...
Cụ thể, dự thảo đề xuất quy định thành lập Sở Lâm nghiệp ở các tỉnh khi có tổng diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng tối thiểu đạt từ 200.000 ha trở lên. Đồng thời, sản xuất lâm nghiệp được hoạch định là ngành sản xuất chính, quan trọng (xếp thứ 2 hoặc 3) trong cơ cấu kinh tế thuộc chiến lược phát triển kinh tế của địa phương; có giá trị lớn về môi trường, cung ứng sản phẩm lâm sản đa dạng cho xã hội; lao động hoạt động nghề rừng chiếm tỷ trọng cao của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh này phải có tổ chức chuyên trách về lâm nghiệp trước đây trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Sở Thủy sản chỉ được thành lập ở những tỉnh có chiều dài bờ biển từ 50 km trở lên
Đối với Sở Thủy sản, dự thảo quy định: Sở Thuỷ sản là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về thủy sản bao gồm: nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Sở này chỉ được thành lập ở những tỉnh có chiều dài bờ biển từ 50 km trở lên. Giá trị kinh tế thủy sản xếp vị trí thứ 3 trở lên trong GDP của địa phương và được xác định là ngành kinh tế có vai trò quan trọng đối với phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Có tổ chức chuyên trách về thủy sản trước đây trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Tỉnh có di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được xếp hạng thế giới, quốc gia mới được thành lập Sở Du lịch
Sở Du lịch thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch, đăng ký văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Dự thảo quy định rõ: Sở Du lịch được thành lập ở các tỉnh, thành phố có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch, cụm điểm du lịch; có đối tượng du lịch là di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được xếp hạng thế giới, quốc gia; có đô thị du lịch tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng. Du lịch được xác định là ngành kinh tế then chốt, có vai trò quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết lao động, việc làm ở địa phương hoặc hiện nay đang có tiềm năng phát triển về du lịch. Đồng thời, phải có tổ chức chuyên trách về du lịch trước đây trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Ban Tôn giáo tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo
Dự thảo quy định về việc thành lập Ban Tôn giáo - cơ quan chuyên môn ngang sở, thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo.
Ban Tôn giáo được thành lập ở các tỉnh, thành phố khi đáp ứng ít nhất 4/6 tiêu chí: 1- Có hoạt động tôn giáo diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh; 2- Có từ 10% dân số của tỉnh trở lên là tín đồ tôn giáo; 3- Có số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành từ 200 người trở lên; 4- Có trụ sở, văn phòng của các tôn giáo như Toà giám mục, cơ quan trung ương và cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức tôn giáo; có Đại chủng viện (Công giáo), Học viện Phật học (Phật giáo), Viện Thánh kinh thần học (Tin lành), các cơ sở đào tạo hợp pháp khác của các tổ chức tôn giáo; có các địa điểm hành hương, lễ hội lớn của các tôn giáo; 5- Có từ 100 cơ sở thờ tự trở lên; 6- Có địa bàn khó khăn, phức tạp.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương về công tác ngoại vụ, dân tộc, tôn giáo, lâm nghiệp, thuỷ sản, du lịch và tiêu chí quy định trên, UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù gửi Bộ Nội vụ thẩm định và trình HĐND cùng cấp quyết định thành lập.