Quang cảnh buổi làm việc
Đến nay, trên địa bàn huyện có 100 tổ chức hội với trên 16.274 hội viên. Trong đó có 12 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi huyện và 88 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi xã, thị trấn; có 01 hội được UBND huyện giao biên chế và 9 hội cấp huyện được công nhận hội có tính chất chất đặc thù. Nhìn chung, trong năm 2018, các hội đã tiếp tục kiện toàn nhân sự, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp thêm nhiều hội viên. Các hội trên địa bàn huyện hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: giáo dục, y tế, thể dục thể thao, từ thiện nhân đạo,… và đã góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của hội còn có những hạn chế: hoạt động của một số hội chưa được thường xuyên, hiệu quả thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước; công tác quản lý hội viên chưa chặt chẽ; một số hội hoạt động không có Điều lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; một số hội hoạt động trong phạm vi xã, thị trấn hiện tại có số hội viên quá ít; có hội không hoạt động trong thời gian dài và qua nhiều nhiệm kỳ nhưng không tổ chức đại hội... Vì vậy, để tạo điều kiện cho các tổ chức hội hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng nguyện vọng ngày càng đa dạng, phong phú của hội viên và Nhân dân, đảm bảo hiệu quả quản lý của Nhà nước, đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời để khắc phục những hạn chế. Đồng thời, để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng; Quyết định số 3533/QĐ-UBND ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh về ban hành Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2021; Kế hoạch số 54-KH/HU ngày 17/5/2018 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, việc tổ chức sắp xếp lại tổ chức hội quần chúng trên địa bàn huyện là yêu cầu cấp thiết. Theo dự kiến, hợp nhất Hội Tù yêu nước với Hội Cựu Thanh niên xung phong, lấy tên gọi là Hội Tù yêu nước - Cựu Thanh niên xung phong; hợp nhất Hội Khuyến học với Hội Cựu giáo chức, lấy tên gọi là Hội Khuyến học - Cựu giáo chức; sáp nhập Hội Từ thiện và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vào Hội Chữ thập đỏ, lấy tên gọi là Hội Chữ thập đỏ; sáp nhập Hội Người mù vào Hội Người khuyết tật, lấy tên gọi là Hội Người khuyết tật; giữ nguyên 03 hội là Ban đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Đông y và Hội Cầu lông.
Phát biểu tại buổi làm việc, đa số lãnh đạo các hội đều đồng tình với việc tổ chức sắp xếp lại để hội hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng bày tỏ những băn khoăn về mô hình tổ chức hoạt động khi không có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương hay vấn đề về công nhận hội có tính chất đặc thù sau khi được sáp nhập, hợp nhất. Một số hội mong muốn được được duy trì để hoạt động ổn định và đáp ứng với tôn chỉ, mục đích của hội khi thành lập.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của các hội trong thời gian qua và mong muốn trong thời gian tới các tổ chức hội tiếp tục đoàn kết, vượt khó, hoàn thành tốt tôn chỉ, mục đích đề ra, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của huyện. Đồng chí cũng giao cho các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của lãnh đạo các hội, nhất là quan tâm giải quyết các kiến nghị và hoàn chỉnh Đề án trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành.